Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (Công ty VINADES) có các ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định như sau:
Khoản 22, Điều 3 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP có đề cập đến khái niệm mạng xã hội (social network), tuy nhiên khái niệm này còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng, khiến cá nhân, tổ chức gặp khó khăn khi xác định thế nào là mạng xã hội. Ở bản dự thảo sửa đổi cũng bổ sung thêm nhưng vẫn chưa thực sự rõ ràng và có một số điều chưa hợp lý.
Cụ thể, một nền tảng, ứng dụng được cho là mạng xã hội khi “cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ, tính năng tạo tài khoản (account), kênh nội dung, trang thông tin điện tử cá nhân (bao gồm cả blog cá nhân), diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, video phát trực tuyến (livestream), chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ, tính năng tương tự khác.”.
Việc quy định nền tảng, ứng dụng được coi là mạng xã hội khi có các tính năng tạo tài khoản (account) và kênh nội dung là không hợp lý. Với quy định này thì tất cả các website theo mô hình kinh doanh SaaS (Software as a service - Phần mềm dưới dạng dịch vụ) đều sẽ được gọi là mạng xã hội và phải xin giấy phép thiết lập vì các trang này đều cho phép người dùng tạo tài khoản để sử dụng. Điều này sẽ gây khó khăn cho vô vàn doanh nghiệp tại Việt Nam đang kinh doanh theo mô hình này, đồng thời như vậy ở Việt Nam sẽ có hàng chục đến hàng trăm nghìn mạng xã hội, đây là một điều phi lý nếu quy định được áp dụng. Thực tế, các website theo mô hình SaaS cũng không hề hướng tới là một mạng xã hội - social network. Dự thảo Nghị định cần làm rõ các điều kiện cấu thành mạng xã hội, ví dụ như một trang web được coi là mạng xã hội chỉ khi đồng thời cho phép người dùng tạo tài khoản (account) và sử dụng tài khoản này để giao tiếp, trao đổi, chia sẻ với nhau thông qua các kênh nội dung.
Khi quy định không rõ ràng, các cá nhân, tổ chức có thể vô tình vi phạm luật mà không biết, vô tình thiết lập mạng xã hội theo khái niệm từ Nghị định trong khi đó không phải mục đích của họ. Bản thân công ty VINADES đã rơi vào trường hợp điển hình như vậy. Trang thông tin điện tử chuyên ngành dauthau.info được công ty VINADES phát triển với mục đích phục vụ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đấu thầu, nhưng vô tình bị quy kết thành mạng xã hội bởi Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội.
Theo biên bản làm việc số 67/BBLV-TTR ngày 22/02/2021 (xem phụ lục 1 đính kèm theo góp ý này), Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho rằng trang dauthau.info hoạt động như mạng xã hội nhưng không có giấy phép cho nên đã vi phạm pháp luật. Lý do vì trên trang dauthau.info có hiển thị hộp bình luận của mạng xã hội Facebook và Thanh tra Sở cho rằng đây là tính năng bình luận của trang, cho phép người dùng chia sẻ, trao đổi thông tin. Trong khi trang dauthau.info không hề được xây dựng với mục tiêu là một mạng xã hội. Thực tế, trang thông tin điện tử chuyên ngành dauthau.info không cung cấp dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau. Dauthau.info cũng không có dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, không có diễn đàn, không có trò chuyện trực tuyến giữa người dùng với nhau, không có chia sẻ âm thanh, hình ảnh. Theo đó, công ty VINADES nhận thấy rằng trang tin điện tử chuyên ngành dauthau.info không phải là một trang mạng xã hội. Khung bình luận hiển thị trên trang là chức năng bình luận của mạng xã hội Facebook, được hiển thị bằng cách chèn 1 khung hiển thị (dạng iframe - một công nghệ của website), việc này giúp chúng tôi theo dõi được bình luận của người sử dụng trên mạng xã hội Facebook. Tóm lại, trang dauthau.info chỉ cho hiển thị chứ không cung cấp dịch vụ bình luận, chia sẻ và lưu trữ những bình luận này.
Như vậy, những trường hợp như trang web dauthau.info khi cho hiển thị bình luận từ mạng xã hội khác là Facebook cũng bị quy kết rằng trang web này là mạng xã hội là rất bất hợp lý. Hiện chính các trang thông tin điện tử của các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang sử dụng chức năng này (chèn khung bình luận của mạng xã hội facebook vào website) như công ty VINADES mà không phải là mạng xã hội. Ví dụ:
- Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y Tế (vaac.gov.vn)
- Sở KH&CN Tuyên Quang (skhcn.tuyenquang.gov.vn)
- UBND Huyện An Lão, Tỉnh Bình Định (anlao.binhdinh.gov.vn)
- Trung tâm hỗ trợ pháp lý thuộc Sở Tư Pháp Hưng Yên (trogiupphaplyhungyen.gov.vn)
- Viện CNPM&NDS - Bộ TT&TT (nisci.gov.vn)
- Đề án 844 - Bộ KH&CN (dean844.most.gov.vn)
- Thành Đoàn Hà Nội (thanhdoanhanoi.gov.vn)
- ... và vô số website khác của cơ quan nhà nước.
Chính vì vậy, công ty VINADES góp ý với mong muốn bản dự thảo sẽ nêu rõ ràng và cụ thể hơn về khái niệm “mạng xã hội” để tránh những trường hợp như trên có thể khiến cá nhân, tổ chức vô tình vi phạm mà không biết. Thậm chí có hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn website vô tình trở thành mạng xã hội ngoài ý muốn, bao gồm rất nhiều website của cơ quan quản lý nhà nước.
Công ty VINADES đề xuất sửa lại khoản 22, Điều 3 trong Nghị định số 72/2013/NĐ-CP như sau:
“Mạng xã hội (social network) là hệ thống dịch vụ thông tin được thiết lập trên nền tảng trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng trên mạng cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng xã hội đó các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau. Mạng xã hội bao gồm các tính năng sau: tạo tài khoản người dùng (account), trò chuyện (chat) trực tuyến, video phát trực tuyến (livestream), chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ, tính năng tương tự khác. Ngoài ra, các loại hình dịch vụ sau cũng được coi là mạng xã hội, bao gồm: trang thông tin điện tử cá nhân (bao gồm cả blog cá nhân), diễn đàn (forum).
Đối với các trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng trên mạng có tích hợp và sử dụng các chức năng của mạng xã hội khác nhưng không trực tiếp cung cấp các dịch vụ nêu trên thì trang, ứng dụng đó không phải mạng xã hội.”
Tại khoản 2, Điều 20 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP có định nghĩa về “trang thông tin điện tử tổng hợp” như sau: “Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó”.
Dự thảo Nghị định sửa đổi như sau: “Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp có tính chất báo chí trên cơ sở dẫn lại nguyên văn, chính xác từ nguồn tin báo chí Việt Nam theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.”.
Ngoài ra, tại khoản 5, Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được dự thảo bổ sung: “Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ liên quan lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục …và các lĩnh vực chuyên ngành khác.”
Trong dự thảo sửa đổi đã nêu rõ hơn về định nghĩa trang thông tin điện tử tổng hợp, đó là tổng hợp thông tin có tính chất báo chí và dẫn lại từ nguồn tin báo chí Việt Nam; định nghĩa trang thông tin điện tử chuyên ngành. Tuy nhiên vẫn cần bổ sung cụ thể để làm rõ sự khác nhau giữa trang thông tin điện tử tổng hợp và trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ ứng dụng chuyên ngành. Trước đây đã có trường hợp trang thông tin điện tử chuyên ngành dauthau.info trích dẫn và đưa tin lại từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, phổ biến một số quy định pháp luật về chuyên ngành đấu thầu, nhưng bị quy kết là trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động không có giấy phép.
Cụ thể, Trang web dauthau.info trước đây đã đăng tải hai bài viết “Chỉ định thầu rút gọn có phải công khai kết quả chọn nhà thầu?” và bài “Có giới hạn số lượng nhà thầu trong liên danh hay không?”. Đây là các bài được đăng trên cổng thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn). Theo biên bản làm việc số 69/BBLV-TTR ngày 24/02/2021 (xem phụ lục 2 đính kèm góp ý này), Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội lập luận như sau:
“1. Về bài viết trích dẫn lại từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Căn cứ khoản 2 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP: “Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đăng, phát thông tin đó”.
Căn cứ khoản 18 Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP: “Nguồn tin chính thức là những thông tin được đăng, phát trên báo chí Việt Nam hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định pháp Luật về báo chí, sở hữu trí tuệ”.
Như vậy, việc trang thông tin điện tử dauthau.info thực hiện trích dẫn lại các tin bài từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ là hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp.”
Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội căn cứ vào đây và suy luận rằng “việc trang thông tin điện tử dauthau.info thực hiện trích dẫn lại các bài từ cổng thông tin điện tử chính phủ là hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp”
Tiếp đó, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho rằng Công ty VINADES vi phạm khoản 4 Điều 23 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và hành vi này quy định xử phạt theo Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Tuy nhiên, nội dung hai bài viết trên là câu hỏi của người dân được Chính phủ trả lời, đây không phải tin tức báo chí, không có tính chất báo chí, cũng không phải trích dẫn tin tức từ cơ quan báo chí. Nội dung trong hai bài viết trên được chúng tôi phổ biến lại là thông tin về pháp luật do Cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng tải. Việc trang thông tin điện tử chuyên ngành phổ biến quy định pháp luật chuyên ngành từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ bị quy kết thành tổng hợp thông tin báo chí, hoạt động như trang thông tin điện tử tổng hợp là chưa hợp lý vì việc phổ biến thông tin pháp luật là trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp, được quy định trong nhiều nội dung văn bản luật. Các văn bản dưới luật không thể trái luật.
Chính vì vậy, Công ty VINADES góp ý bổ sung thêm vào khoản 5, Điều 20 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP như sau:
“Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ liên quan lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục …và các lĩnh vực chuyên ngành khác. Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ và ứng dụng chuyên ngành được phép phổ biến quy định pháp luật về chuyên ngành từ các trang thông tin điện tử cửa cơ quan Đảng, Nhà nước, được phép trích dẫn các nội dung chuyên ngành từ nguồn tin báo chí Việt Nam theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”.
Tác giả: Tiến Phạm