Quang cao giua trang

Nguồn mở vẫn nói suông ở Việt Nam

Chủ nhật, 26 Tháng M. hai 2010 11:01 CH
ICTnews - Các mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 07 của Bộ TT&TT về thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm đều không đạt được, thậm chí có một số mục tiêu chỉ đạt 2%.
1.jpg.jpg
Muốn đạt các chỉ tiêu phát triển PMNM, cần những biện pháp mạnh hơn.

Nguồn mở vẫn nói suông ở Việt Nam

ICTnews - Các mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 07 của Bộ TT&TT về thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm đều không đạt được, thậm chí có một số mục tiêu chỉ đạt 2%.  

Bài liên quan:

>> Nhà nước chuyển sang nguồn mở

Ngày 14/12, Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở” tại Hà Nội.

Tỷ lệ ứng dụng thấp

Theo báo cáo của đại diện Vụ CNTT (Bộ TT&TT) trình bày tại hội thảo, sau một năm thực hiện Chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT về ứng dụng PMNM trong các cơ quan Bộ, ngang Bộ và các địa phương, việc ứng dụng PMNM vẫn còn ì ạch, đều ở mức thấp so với mục tiêu đề ra.

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, tính đến tháng 2/2010 mới có 12 Bộ, cơ quan ngang Bộ báo cáo tình hình ứng dụng. Tuy nhiên, với chỉ tiêu cài đặt 4 phần mềm trong danh mục cho tất cả các cơ quan Bộ gồm OpenOffice, Unikey, FireFox, Thunderbird thì thực tế còn rất thấp: chỉ có 3 Bộ cài 100% OpenOffice (chiếm tỷ lệ 25%), 4/12 Bộ cài Thunderbird (chiếm 33,3%)…

Đối với vấn đề cán bộ, nhân viên của cơ quan Bộ, ngang Bộ được tập huấn và sử dụng thành thạo PMNM, thì chỉ có duy nhất 1 Bộ đạt chỉ tiêu. Cùng đó, đối với 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã gửi báo cáo về Bộ TT&TT, thì với chỉ tiêu “100% cán bộ, nhân viên sở TT&TT được tập huấn sử dụng PMNM”, chỉ khiêm tốn với 2% đáp ứng được yêu cầu.

Như vậy, với cả hai yêu cầu mà Chỉ thị số 07 đặt ra là chậm nhất đến ngày 30/6/2009 (đảm bảo 100% máy trạm của đơn vị chuyên trách về CNTT, Sở TT&TT được cài đặt PMNM; 100% cán bộ, nhân viên được tập huấn, hướng dẫn sử dụng PMNM) và đến mốc thời gian 31/12/2009 (70% máy trạm trong các cơ quan được cài đặt PMNM, 70% cán bộ nhân viên được tập huấn, sử dụng PMNM) đều không thực hiện được trong thực tế.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cho rằng, Chỉ thị 07 được ban hành vào cuối năm 2008 nên việc triển khai ngay trong năm 2009 còn gấp gáp, nguồn kinh phí ứng dụng và phát triển PMNM hỗ trợ từ ngân sách Trung ương năm 2009 dành cho các Bộ, ngành và địa phương không cấp phát kịp trong năm 2009, mà phải chuyển sang năm 2010.

Bên cạnh đó, ông Tuyên cũng cho rằng khi đi vào ứng dụng, thì hầu hết các đơn vị vẫn tồn tại vô số khó khăn liên quan đến nhân lực ứng dụng cũng như đội ngũ kỹ thuật...

Tạo “áp lực” bằng chế tài

Tiếp tục trao đổi về giải pháp nhằm cải thiện sự phát triển, năng lực ứng dụng PMNM tại Việt Nam trong thời gian tới, tại hội thảo, ý kiến của nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém để có thể đưa ra kế hoạch phát triển hiệu quả. Theo ông Trương Anh Tuấn – Giám đốc công ty Iway, chính sách của Nhà nước phải có sự đột phá.

Từ công việc hỗ trợ kỹ thuật cho một số cơ quan ứng dụng PMNM, ông Tuấn cho rằng việc ứng dụng phải được bắt đầu bằng đưa ra kế hoạch tổng thể, rồi mới thực hiện chuyển đổi dần chứ không thể làm gấp gáp để phù hợp với năng lực ứng dụng của các đơn vị. Cùng đó, các cơ quan hiện nay cũng có thuận lợi là Bộ TT&TT đã ban hành danh mục hướng dẫn về các phần mềm được khuyến khích sử dụng, do đó có thể xác định nhu cầu, rồi tìm phần mềm cần thiết để ứng dụng thử. Bên cạnh đó, việc đánh giá, rút kinh nghiệm thường xuyên cũng là yếu tố quan trọng để giúp cho việc thực hiện ứng dụng PMNM thành công.

Ông Dương Ngọc Hưng – Giám đốc Sở TT&TT Ninh Thuận cho rằng, việc tuyên truyền của Bộ TT&TT, các phương tiện truyền thông về PMNM hiện chưa nhiều. “Bản thân những người quản lý còn chưa “thấm” thì sao có thể nói chuyện các đối tượng cấp dưới ứng dụng, hoặc ứng dụng hiệu quả?”

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, để giải quyết khó khăn cho cơ chế tài chính, ngoài Thông tư liên tịch 142/TTLT-BTC-BTTTT đã được ban hành, thì hiện nay việc xây dựng định mức chi cho việc triển khai áp dụng và phát triển sản phẩm PMNM đang được gấp rút thực hiện. Dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2011.

Ông Tuyên cũng đề xuất đến chuyện cần nghiên cứu, xây dựng quy chế bắt buộc tất cả các máy tính trạm, máy chủ được mua mới trong cơ quan Nhà nước phải cài đặt các phần mềm trong danh mục PMNM ban hành trong Thông tư 41. Ông Tuyên cho rằng đã đến lúc Nhà nước phải đưa ra chính sách cụ thể nhằm tạo “áp lực”, bắt buộc cán bộ, công chức sử dụng PMNM…

Một số ý kiến chuyên gia còn cho rằng dù Việt Nam hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển PMNM, tuy nhiên vẫn cần phải có quyết tâm cao hơn nữa từ các cấp. Nên chăng, đã đến lúc cần có một cơ quan chuyên trách để thúc đẩy triển khai PMNM?

“Tương lai của PMNM Việt Nam phụ thuộc lớn vào thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay. Nhưng nếu không đào tạo họ về PMNM ngay từ bây giờ, thì rất khó khăn cho sự phát triển. Tuy nhiên trong thời gian qua, ngay khi cộng đồng nguồn mở trong nước tổ chức cuộc thi “Mùa hè sáng tạo PMNM” lại không có cơ quan Nhà nước nào tham gia. Chính vì vậy, Việt Nam nên có quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư cho các sinh viên tham gia nghiên cứu, phát triển PMNM vì thực tế qua một số kỳ tổ chức, có khá nhiều ứng dụng tiềm năng có thể phát triển thêm để sử dụng trong thực tế”, ông Nguyễn Thế Hùng, TGĐ Công ty Vinades chia sẻ.

Tác giả: Nguyên Đức

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

QC tai nhanh HSMT
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây