Quang cao giua trang

9 nhầm lẫn tai hại về phần mềm nguồn mở

Thứ ba, 04 Tháng Tư 2017 9:40 CH
Bây giờ đã sang năm 2017, phần mềm nguồn mở đã trở thành một thành phần tất yếu của công nghệ nhưng vẫn còn những nhầm lẫn tai hại về phần mềm nguồn mở, đặc biệt khi so sánh phần mềm nguồn mở và phần mềm nguồn đóng.
Tại Việt Nam, cộng đồng phần mềm nguồn mở Việt Nam đã bước đầu được hình thành và ngày càng lớn mạnh (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Tại Việt Nam, cộng đồng phần mềm nguồn mở Việt Nam đã bước đầu được hình thành và ngày càng lớn mạnh (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

1. Phần mềm nguồn mở là phần mềm... không bản quyền, phần mềm nguồn đóng có bản quyền.

Sai vì cho dù là phần mềm nguồn đóng hay mở, chúng đều có thể là những phần mềm bản quyền.

Các chương trình nguồn mở không phải là những chương trình không giấy phép. Ngược lại, chính giấy phép của chúng đã làm chúng thành nguồn mở.
 
Khi một nhà phát triển viết một chương trình, anh ta giữ quyền tác giả, hay bản quyền (copyright). Trong một số trường hợp, có thể hãng làm việc của anh ta nắm giữ các quyền đó. Và cái bản quyền này có thể được bán, như một tài sản phi vật chất, từ hãng này qua hãng khác.
 
Người giữ bản quyền được quyền tự do định ra chương trình của anh ta có thể được sử dụng như thế nào:
  • Anh ta có thể giữ riêng cho mình, cấm bất kỳ ai sử dụng nó.
  • Anh ta có thể bán những quyền của mình cho một người khác, người thật hay danh nghĩa.
  • Anh ta có thể dùng quyền tác giả qui định những điều kiện áp đặt cho việc sử dụng chương trình của mình. Anh ta viết ra các điều kiện này trong những điều khoản của giấy phép sử dụng.
Tất cả các phần mềm, dù nguồn đóng hay nguồn mở, chúng đều có chủ sở hữu, chúng không phải là "chẳng thuộc về ai". Trong một số trường hợp, chủ sở hữu của phần mềm nguồn mở có thể là một quĩ phi lợi nhuận, hoặc cũng có thể là một hãng thương mại thông thường. Cũng có thể là sở hữu của nhiều đồng tác giả, đặc biệt trong trường hợp hệ quả của những đóng góp về sau.

Về cơ bản, phần mềm nguồn đóng hay nguồn mở chủ yếu khác nhau về giấy phép. Trong đó phần mềm nguồn đóng thì hạn chế các quyền can thiệp vào mã nguồn, còn phần mềm nguồn mở thì đảm bảo các quyền đó (tác giả phải từ bỏ một số quyền cho người sử dụng có nhiều quyền hơn).
 
Tìm hiểu thêm về Bản quyền và giấy phép Phần mềm Tự do Nguồn mở qua bài viết này.

2. Phần mềm nguồn mở thì mọi thứ liên quan hoàn toàn miễn phí!

Sai, vì: Để được coi là phần mềm tự do nguồn mở, điều kiện cần là mã nguồn phải được chia sẻ tự do. Điều đó không đồng nghĩa rằng bản thân các ứng dụng được miễn phí hoàn toàn. Thực tế, không phải tất cả nhưng có nhiều công ty kiếm tiền từ các dự án phần mềm tự do nguồn mở của họ. Thông thường, các nhà cung cấp có xu hướng cung cấp kèm theo các dịch vụ như hỗ trợ (ví dụ trường hợp của Wordpress), bổ sung tính năng (ví dụ trường hợp của NukeViet) hoặc tạo ra một phiên bản cộng đồng miễn phí (một phiên bản cộng đồng với giấy phép nguồn ở và một phiên bản thương mại với giấy phép không phải nguồn mở) [2]. Một số trường hợp (trên thế giới) thì nhà cung cấp trông chờ nguồn tài trợ là chính (ví dụ Drupal, Joomla...)

[2]: Một ví dụ cho trường hợp này này là hệ điều hành Redhat (Redhat Enterprise) hoặc Zimbra - một phần mềm máy chủ thư điện tử và công cụ cộng tác mạnh mẽ, cung cấp cả phiên bản nguồn mở miễn phí, kèm theo mã nguồn đầy đủ và phiên bản thương mại với nhiều tính năng hơn nhưng khả năng tiếp cận mã nguồn hạn chế hơn.

3. Phần mềm miễn phí và phần mềm nguồn mở là giống nhau!

Sai vì: phần mềm nguồn mở (open-source software) hoặc phần mềm tự do (free sorfware) thì được sử dụng mã nguồn miễn phí, nhưng phần mềm miễn phí (freeware) và phần mềm chia sẻ (shareware) thì chưa chắc đã được tiếp cận mã nguồn phần mềm.

Cũng cần giải thích rõ ràng rằng không phải cứ truyền bá mã nguồn là làm cho một chương trình trở thành nguồn mở, mà phải là quyền, được ghi rõ trong giấy phép, tự do sử dụng, sửa đổi và phân phối lại chúng.

4. Phần mềm nguồn mở không được hỗ trợ, vì nó thuộc về cộng đồng, mà cộng đồng tức là... không ai cả (vì "cha chung" không ai khóc)!

Sai vì: Phần mềm nguồn mở chỉ miễn phí bản quyền, bạn phải trả phí nếu muốn sử dụng các dịch vụ hỗ trợ, bạn phải trả tiền cho các nhà cung cấp dịch vụ. Có một số phần mềm chính đơn vị phát triển phần mềm cung cấp dịch vụ, có một số phần mềm thì các đơn vị hỗ trơ hoàn toàn độc lập với đơn vị phát triển phần mềm. Một số trường hợp thì cả đơn vị phát triển phần mềm và các đơn vị khác (không phát triển phần mềm) nhưng đều tham gia cung cấp dịch vụ triển khai, hỗ trợ. Điều này tạo sự cạnh tranh cao hơn nhiều so với phần mềm nguồn đóng, do đó người sử dụng có quyền lựa chọn đa dạng hơn, rạnh tranh hơn, và về mặt lý thuyết là có thể tốt hơn!

5. Phần mềm tự do nguồn mở chỉ dành cho người biết lập trình

Sai! vì trên thực tế có thể bạn đang sử dụng rất nhiều phần mềm nguồn ở mà không cần biết gì về lập trình, ví dụ: Trình duyệt Google Chrome hoặc Cờ Rôm+ (của Việt Nam) được tạo từ phần mềm nguồn mở Chromium; Trình duyệt FireFox là phần mềm nguồn mở; Bộ gõ Unikey là phần mềm nguồn mở, hoặc hệ điều hành android cũng là phần mềm nguồn mở... tất cả chúng bạn đâu cần biết  về lập trình, thậm chí chúng hiện hữu hàng ngày bên bạn luôn.

6. Sử dụng phần mềm nguồn mở dễ vi phạm luật sở hữu trí tuệ hơn phần mềm nguồn đóng

Sai! Như đã trình bày ở phần 1: phần mềm nguồn đóng hay mở, chúng đều có thể là những phần mềm bản quyền, và ngược lại: cho dù là phần mềm nguồn đóng hay mở, chúng đều có thể vi phạm luật sở hữu trí tuệ nếu chúng có chứa thành phần không bản quyền. Tuy nhiên, vì phần mềm nguồn mở được công khai toàn bộ mã nguồn, cho nên việc này rất dễ kiểm tra hơn phần mềm nguồn đóng, và do đó thường thì đơn vị làm phần mềm nguồn mở không dại gì vi phạm luật sở hữu trí tuệ, còn các nhà sản xuất phần mềm nguồn đóng sẵn sàng vi phạm mà rất khó để chứng minh vì không có mã nguồn.

Trên thực tế, đã từng có các vụ kiện và trong một vụ án quốc tế, tòa án đã phán quyết về việc sử dụng phần mềm tự do nguồn mở không vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ khi xử SCO bị thua kiện tại tòa án. Trong khi đó, nhiều phần mềm nguồn đóng bị tẩy chay vì vi phạm giấy phép phần mềm nguồn mở (sao chép mà không ghi rõ nguồn gốc).

7. Phần mềm nguồn mở ít được sử dụng

Sai! Nguồn mở rất phổ biến trên thế giới, kể cả Việt Nam, chỉ có điều bạn không biết!
- 485/500 hệ thống siêu máy tính là phần mềm nguồn mở, Windows có duy nhất 1.
- Điện toán đám mây (phần mềm nguồn mở chiếm 79%)
- Các máy chủ web (phần mềm nguồn mở chiếm 65%)
- Các hệ thống di động (phần mềm nguồn mở chiếm 83.6%)
- Các hệ thống nhúng (khoảng một nửa có kế hoạch dùng chúng trong nghiên cứu năm 2013
- IoT - Internet của vạn vật (chưa nhìn thấy đối thủ nguồn đóng nào).
Nguồn: computerworlduk

8. Phần mềm nguồn mở thì không bảo mật vì mã nguồn ai cũng biết!

Sai! Bạn cần phân biệt "bảo mật" và "an toàn an ninh thông tin" vì hai khái niệm này khác nhau. "Bảo mật" mã nguồn (giấu kín mã nguồn như phần mềm nguồn đóng) không có nghĩa là đảm bảo an toàn an ninh thông tin hơn phần mềm nguồn mở (cho dù phần mềm nguồn mở không "Bảo mật" mã nguồn).

Về lĩnh vực phát triển phần mềm: Trong cùng nguồn lực như nhau, phần mềm phát triển theo phương pháp phát triển phần mềm nguồn mở sẽ tốt hơn và đạt mức an toàn an ninh cao hơn nhiều so với phần mềm phát triển theo phương pháp phát triển phần mềm nguồn đóng.
Về mặt dịch vụ khách hàng, sau nhiều sự cố xâm phạm dữ liệu cá nhân thì có thể phát biểu như sau:
 
Phần mềm nguồn mở thì không có cái gì "mật" cả! Trừ dữ liệu của khách hàng.
Phần mềm nguồn đóng thì mọi thứ đều "mật"! Trừ dữ liệu của khách hàng.
Trên thực tế, chính phủ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã công nhận phần mềm nguồn mở an toàn hơn phần mềm nguồn đóng và giúp giảm phụ thuộc tình trạng độc quyền cho nên nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam khuyến khích sử dụng và phát triển phần mềm nguồn mở.

9. Phần mềm nguồn mở là "ung nhọt", làm hạn chế khả năng sáng tạo.

Sai! Phần mềm nguồn mở trên thực tế được thế giới phát động nhằm tăng khả năng sáng tạo và triết lý mở đã lan tỏa tới các lĩnh vực có liên quan như dữ liệu mở (open data), tài nguyên giáo dục mở (OER- open educational resources), phần cứng nguồn mở (open hardware)… nó đã giúp tốc độ sáng tạo tăng lên nhiều lần.
 
Phần mềm nguồn mở cũng không còn bị các công ty phần mềm nguồn đóng coi là "ung nhọt". Các doanh nghiệp phần mềm truyền thống theo đuổi mô hình phần mềm nguồn đóng trên thế giới quen chống đối mô hình phát triển phần mềm nguồn mở cũng thay đổi 180 độ trước những lợi ích không thể chối cãi của phần mềm nguồn mở, điển hình là Microsoft. Nếu như vào năm 2001, Steve Ballmer (CEO của Microsoft) đã ví hệ điều hành Linux là “căn bệnh ung thư”, bởi hệ điều hành này đang xâm chiếm thị phần với Windows trên thị trường máy tính cá nhân, thì năm 2012, Microsoft thành lập công ty con là Microsoft Open Technology chuyên phát triển phần mềm nguồn mở[3]. Tháng 6 năm 2016, Microsoft công bố phần mềm nguồn mở .NET Core 1.0, và gần đây nhất là Microsoft gia nhập Linux Foundation[4], không ai ngờ Microsoft thậm chí còn là thành viên bạch kim (cấp bậc thành viên cao nhất của Linux Foundation). Những động thái này của Microsoft làm giới công nghệ đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tuy nhiên những ai am hiểu lợi ích của phần mềm nguồn mở thì không hề bất ngờ, vì một trong những thứ dẫn dắt cho sự phát triển mạnh mẽ của phần mềm nguồn mở chính là lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, phần mềm nguồn mở là phương thức giúp thúc đẩy sáng tạo, đổi mới khoa học công nghệ thông qua việc hội tụ và tích lũy tri thức cộng đồng, qua việc cống hiến tài sản trí tuệ của các tổ chức và cá nhân những người tham gia thành tài sản chung cho cộng đồng nguồn mở.

Nhiều phong trào trên thế giới chỉ ra rằng: bảo hộ độc quyền, cấp văn bằng độc quyền sáng chế và bảo hộ độc quyền cho phần mềm đang làm giảm khả năng sáng tạo vì nó sinh ra những "quỷ lùn sáng chế" hay "bẫy sáng chế" (troll patent - kiểucạnh tranh không lành mạnh bằng cách sử dụng các bằng sáng chế).
Tinhte: "Patent Troll" (tạm dịch là cạnh tranh không lành mạnh về bằng sáng chế) là cụm từ để chỉ những người hay tổ chức nào đó dùng các bằng sáng chế do mình nắm giữ (có thể do mua lại chứ không phải do mình làm ra) để đem đi kiện các công ty khác vi phạm đến bằng sáng chế đó của mình, mục đích là để triệt hạ các đối thủ cạnh tranh hoặc đòi trả phí vi phạm bản quyền, hơn là để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của bản thân công ty.

sblaw: Các bẫy sáng chế (Patent trolls) là việc các công ty có được các bằng độc quyền sáng chế không phải để bảo vệ thị trường của họ, cho sản phẩm họ muốn sản xuất – patent trolls không phải là của các nhà sản xuất – nhưng để “đặt bẫy” các nhà sản xuất, cho phép một người được cấp bằng sáng chế có thể kiện hành vi xâm phạm đối với bằng độc quyền sáng chế đó, thậm chí ngay cả khi nó không tạo ra sản phẩm theo phạm vi bảo hộ của sáng chế đó.


Bài viết đã được đăng tải trên ICTNEWS: http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/diem-mat-9-nham-lan-thuong-gap-ve-phan-mem-nguon-mo-150933.ict

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

QC tai nhanh HSMT
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây